Pages

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Phát triển giao thông đô thị đà nẵng

15 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng bản lĩnh, quyết tâm, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, Thành phố đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là bộ mặt đô thị từng ngày thay đổi và phát triển không ngừng. Những công trình giao thông đã kết nối các khu vực thành một thể liên hoàn, thống nhất, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của Thành phố.

Các công trình giao thông tiêu biểu đã đang được xây dựng
Dự án đường Đông - Tây (đường Nguyễn Văn Linh hiện nay), đường Bắc - Nam (đường Hàm Nghi - Lê Đình Lý) và đường Tiểu La nối dài (đường 2/9 hiện nay), đường Bạch Đằng Đông (Trần Hưng Đạo hiện nay) là những tuyến đường qua vùng ao hồ, ruộng trũng bờ Tây và bờ Đông sông Hàn được triển khai xây dựng vào những năm 1993-2000 là mốc son đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống hạ tầng giao thông Đà Nẵng.
Phối cảnh cầu Rồng
Phối cảnh cầu Rồng

Tiếp đến là các tuyến đường với quy mô 6 -12 làn xe xuyên qua các khu dân cư đông đúc, kết nối đến các vùng đất còn hoang sơ, nghèo khó của thành phố như đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Hoàng Sa, Trường Sa, Điện Biên Phủ, Lê Văn Hiến... Nhiều tuyến đường nội thị cũng đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang, hiện đại. Hạ tầng viễn thông, điện được hạ ngầm.

Đà Nẵng cũng được biết đến với đường hầm đầu tiên của Việt Nam được xây dựng xuyên đèo Hải Vân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đây là 1 trong 30 đường hầm lớn, hiện đại nhất thế giới và là hầm đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều hạng mục công trình có yêu cầu kỹ thuật cao trên thế giới được áp dụng lần đầu ở Việt Nam.

Nhưng nói đến Đà Nẵng phải kể đến những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn và Cẩm Lệ. Có thể nói không quá rằng, mỗi cây cầu lớn ở Đà Nẵng đều có những đặc trưng riêng không giống nhau, tạo nên từng dấu “nhấn” về mặt kiến trúc, mỹ quan cũng như bước triển thành của ngành GTVT Đà Nẵng. Nếu như trước năm 1997, Thành phố chỉ có 3 cây cầu đường bộ bắc qua sông Cẩm Lệ là Cầu Đỏ, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi đều được xây dựng từ trước giải phóng thì đến nay Đà Nẵng với các loại hình dạng kết cấu cơ bản từ cầu dây văng, dây võng, cầu quay, đến cầu BTCT đúc hẫng... xứng đáng là một thành phố của những cây cầu hiện đại.

Cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000, đến nay vẫn giữ "danh hiệu" là chiếc cầu quay đang hoạt động duy nhất trên đất nước Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong cây cầu nhịp lớn kết cấu dây văng đầu tiên do đội ngũ cầu đường Việt Nam trực tiếp thực hiện.

Năm 2001, cầu Cẩm Lệ được xây dựng để thay thế chiếc cầu mang đầy thương tích chiến tranh. Cầu được thi công theo công nghệ đúc hẫng tiên tiến trên thế giới nhưng chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam vào thời điểm bấy giờ. Đây là công trình cầu áp dụng công nghệ này đầu tiên ở khu vực miền Trung Tây Nguyên. Và chính là tiền đề cho việc chủ động triển khai áp dụng một loạt các cầu theo công nghệ đúc hẫng cân bằng trên địa bàn thành phố như cầu Mân Quang, cầu Đỏ, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông, Sông Cái...

Năm 2009, cầu Thuận Phước hoàn thành, là một trong những cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam (với chiều dài hơn 1800m), áp dụng nhiều giải pháp thiết kế tiên tiến và công nghệ thi công mới mẻ ở Việt Nam. Cầu có kết cấu dầm hộp BTCT liên tục đối với cầu dẫn, dạng cầu treo dây võng dầm thép bản trực hướng đối với cầu chính. Tính chất phức tạp của cầu không chỉ ở giải pháp kết cấu, trong đó: Cầu dẫn gồm 3 liên liên tục, đặc biệt có liên gồm 5 nhịp 50m liên tục nằm trong đường cong bán kính 250m được thi công theo phương pháp đổ bê tông trên đà giáo cố định, ván khuôn trượt. Những bài học rút ra từ công nghệ thi công này đã tạo tiền đề cho việc thiết kế biện pháp thi công chủ đạo và tổ chức thi công dầm dẫn cầu Trần Thị Lý hiện nay. Cầu được đưa vào sử dụng đã đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ cầu đường của Đà Nẵng nói riêng, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam nói chung trong làm chủ công nghệ thi công cầu hiện đại.

Hiện, Đà Nẵng đang tiếp tục xây dựng công trình cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý. Đây là 2 công trình có hình dáng kiến trúc độc đáo trên thế giới. Cầu Rồng được thiết kế mang hình dáng Rồng bay với ba nhịp chính liên tục theo sơ cấu tạo dầm - vòm liên tục. Là cầu vòm đơn (đường xe chạy ở 2 bên vòm) duy nhất và cũng là dài nhất ở khu vực Đông Nam Á với chiều dài phần cầu vòm 456m, trong đó vòm được cấu tạo từ 5 ống thép đường kính 1,2m. Công trình này đã được Hiệp hội cầu đường thế giới công nhận là công trình có thiết kế độc đáo, mới lạ.

Phối cảnh cầu Trần Thị Lý
Phối cảnh cầu Trần Thị Lý
Cầu mới Trần Thị Lý được thiết kế với kết cấu trụ tháp đơn nghiêng cao 145m và dây văng 3 mặt phẳng trong đó phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như các cánh buồm tạo nên một điểm nhấn kiến trúc phía Nam trung tâm Thành phố. Đặc biệt trụ tháp nghiêng của cầu được đặt trên hệ gối chỏm cầu chịu được tải trọng đứng đến 25.000 tấn là gối chỏm cầu chịu tải trọng lớn nhất thế giới đến thời điểm hiện nay.

Những bước tiến công nghệ

Việc ứng dụng kịp thời công nghệ mới đã đem lại một bước tiến dài cho công tác khảo sát. Các đơn vị tư vấn khảo sát đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy toàn đạc điện tử, thiet bi dinh vi toàn cầu, máy đo cao, đo sâu điện tử... Năng suất và chất lượng của công tác khảo sát công trình được nâng cao rõ rệt, cán bộ khảo sát được chuyên môn hóa.

Trong công tác thiết kế, khoa học công nghệ đóng góp một vai trò then chốt, giúp đạt được những thành tựu nổi bật trong thời gian vừa qua. Ngành GTVT Đà Nẵng đã có những định hướng để các đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu các kiến thức mới, làm chủ được công nghệ hiện đại như: Phần mềm RM2000 tính toán thiết kế cầu, phần mềm NOVA - TDN tính toán thiết kế đường và nút giao thông; phần mềm tính toán thiết kế các kết cấu SAP2000; MIKE-UBAN tính toán thủy văn, thủy lực, phần mềm tính toán xử lý nền đất yếu PLASXIS, tính toán ổn định nền đường GEO-SLOPE... Trong thiết kế xử lý nền đường đắp trên đất yếu, đã áp dụng thành công nhiều phương pháp ứng với từng điều kiện địa chất khác nhau của thành phố như: phương pháp cắm bấc thấm kết hợp đắp đất gia tải, phương án gia cố tại chỗ bằng cọc cát, cọc xi măng - đất.... Về thiết kế kiên cố hóa mái dốc ta luy nền đường, đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp mang tính đột phá như công nghệ neo trong đất, sử dụng lưới địa kỹ thuật Neo-web để gia cố mái dốc, sử dụng tường chắn có cốt MSE (mechanical stable earth) thiết kế tường chắn đầu cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện năng lực quản lý của ngành GTVT Đà Nẵng đã đạt đến một bậc mới, đảm nhận được các công trình và dự án có quy mô lớn (từ trên 1 nghìn tỷ VNĐ đến 300 triệu USD), có yêu cầu cao về mặt tiến độ và chất lượng công trình thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi và đánh giá dự án. Đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền GIS để thuận lợi cho việc quản lý hạ tầng giao thông đô thị một cách đồng bộ, chính xác, tổ chức khai thác hiệu quả phần mềm quản lý cầu đường do Trung ương cung cấp để kiểm soát tốt công tác duy tu bảo dưỡng; đang nghiên cứu, áp dụng phần mềm điều khiển tự động hệ thống tín hiệu giao thông (của Tây Ban Nha) để vận dụng tổ chức giao thông theo phương thức “làn sóng xanh” trên một số trục giao thông chính của thành phố.

Ngành GTVT Đà Nẵng cũng đã chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm tiên tiến trong quản lý, quy hoạch giao thông như STRADA, VISUM để phân tích dự báo nhu cầu giao thông, đánh giá các điểm ùn tắc giao thông, các phương án thiết kế tổ chức giao thông, cũng như xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể giao thông thành phố,... ứng dụng phần mềm Mô hình thủy lực trong thiết kế quy hoạch các tuyến kênh, cống thoát nước chính của thành phố, đảm bảo giải pháp đề xuất là hợp lý nhất.

Đà Nẵng vinh dự và tự hào khi nhận được những lời khen ngợi từ các cấp lãnh đạo Nhà nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi về thăm thành phố đã nói rằng "Đà Nẵng có những đổi thay rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh"Có thể nói rằng, Đà Nẵng đã lựa chọn đúng một khâu đột phá rất quan trọng là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Nhờ thực hiện tốt việc đầu tư kết cấu hạ tầng đã tạo nên động lực rất quan trọng để cho Đà Nẵng phát triển nhanh và toàn diện những năm qua"./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét